Các chương trình tiêm chủng vẫn đang được triển khai trên toàn thế giới để chống lại đại dịch Covid-19, với sự tham gia của nhiều loại vaccine khác nhau. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng mới - như chủng Anh, chủng Ấn Độ, hoặc chủng lạ xuất hiện tại Việt Nam - cùng tốc độ tiêm chủng không đồng đều đang gây ra lo ngại về sự hiệu quả của các loại vaccine hiện nay.
Để xác định được sự hiệu quả của vaccine cần có những nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech - loại vaccine hiệu quả bậc nhất thế giới hiện nay với tỉ lệ đến hơn 90% với chủng Covid gốc - vẫn có hiệu quả rất cao trước các biến chủng mới, bao gồm cả biến chủng Ấn Độ. Có những ý kiến cho rằng vaccine Pfizer là niềm hy vọng lớn nhất của nhân loại, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Dành cho những ai chưa biết, vaccine của Pfizer là một trong những loại được tạo ra nhanh nhất trong lịch sử. Và người đứng sau đó là 2 nhà khoa học nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ, là thành quả của một công trình nghiên cứu kéo dài hơn 3 thập kỷ.
Vợ chồng Tiến sĩ Ugur Sahin và Özlem Türeci
Năm 2018, Tiến sĩ Ugur Sahin tham gia một hội nghị tại Berlin (Đức) và đưa ra một dự đoán rất khắc nghiệt. Giữa căn phòng được lấp đầy bởi các chuyên gia dịch tễ hàng đầu, ông khẳng định rằng công ty của mình - BioNTech có thể sử dụng công nghệ "thông tin ARN" để chế tạo vaccine rất nhanh trong một đại dịch toàn cầu.
Ở thời điểm đó, Sahin không biết quá nhiều về tình hình thế giới, chỉ tập trung vào BioNTech - khi đó mới chỉ là một startup công nghệ sinh học nhỏ bé được ông lập ra cùng vợ là Tiến sĩ Özlem Türeci. Họ lập ra nó vốn là để tập trung vào mảng chữa trị ung thư, nhưng các sản phẩm ấy chưa kịp tung ra thị trường. Còn Covid-19, khi đó nó chưa tồn tại.
Chẳng ai ngờ sau đó 2 năm, những gì ông nói lại giống như một lời tiên tri. Covid-19 xuất hiện, tạo ra một thế giới hỗn loạn và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Covid-19 - đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người
Tháng 11/2020, BioNTech và Pfizer công bố Tiến sĩ Sahin đã phát triển thành công một loại vaccine phòng Covid-19 với hiệu quả tới hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng. Sau này, tỉ lệ thực tiễn cho thấy tỉ lệ ấy là có thật, thậm chí ngay cả với các biến chủng mới đang có nguy cơ gây thảm họa hiện nay.
"Đây có thể là sự kết thúc của kỷ nguyên Covid" - Tiến sĩ Sahin nói một cách tự hào.
Trên thực tế, BioNTech đã bắt đầu nghiên cứu vaccine từ tháng 1/2020, sau khi Sahin đọc được một bản báo cáo khoa học khiến ông tin rằng virus corona (khi đó đang lây lan ở Trung Quốc) sẽ sớm trở thành một đại dịch. Các nhà nghiên cứu của công ty lập tức hủy bỏ mọi chuyến đi, bắt đầu mở ra dự án phát triển vaccine thần tốc đúng như tên gọi của nó - Lightspeed (tốc độ ánh sáng).
"Không có nhiều công ty trên thế giới có khả năng cạnh tranh với chúng tôi về tốc độ" - ông Sahin tự tin khẳng định. "Đây không phải cơ hội mà là trách nhiệm, và tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi sẽ nằm trong số những nơi đầu tiên có vaccine."
Sau khi xác định được một số ứng viên vaccine tiềm năng, ông Sahin kết luận công ty cần giúp đỡ để thử nghiệm nhanh chóng, nhằm vượt qua bài đánh giá của nhà chức trách và sớm đưa ra thị trường. Họ bắt tay với Pfizer - gã khổng lồ trong ngành dược phẩm, vốn đã cùng cộng tác để sản xuất vaccine cúm từ năm 2018.
Tiến sĩ Sahin sinh ra tại Iskenderun (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ năm 4 tuổi, ông đã chuyển tới Cologne (Đức), nơi cha mẹ làm việc cho nhà máy sản xuất ô tô.
Ngay từ nhỏ, ông đã có ước mơ trở thành bác sĩ, rồi biến nó thành hiện thực tại ĐH Cologne. Năm 1993, ông có bằng tiến sĩ tại đây, nhờ công trình nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch trong các tế bào ung thư.
Sahin gặp Tiến sĩ Türeci ở thuở chớm bắt đầu sự nghiệp. Türeci cũng là một người gốc Thổ, có ước mơ trở thành nữ tu sĩ, điều thôi thúc bà theo đuổi ngành dược. Ngày cưới, họ trở về phòng thí nghiệm ngay sau buổi lễ. Và hiện tại, bà Türeci là giám đốc dược của BioNTech.
Thuở ban đầu, cả hai chú trọng vào nghiên cứu và giản dạy. Đến năm 2001, họ lập ra công ty dược phẩm Ganymed Pharmaceuticals, chuyên phát triển thuốc trị ung thư dựa trên liệu pháp miễn dịch. Và sau này, họ lập ra BioNTech với các công nghệ rộng hơn, bao gồm thông tin ARN - thứ công nghệ đến từ sự bức xúc của 2 vợ chồng từ cách đây 30 năm, trước tình cảnh ngặt nghèo của bệnh nhân ung thư. Họ muốn tạo ra một phương pháp điều trị mới, coi ung thư như một bệnh truyền nhiễm và điều trị bằng cơ chế miễn dịch.
Ngay từ trước đại dịch, BioNTech đã có sự phát triển mạnh. Công ty gọi vốn hàng trăm triệu đô, có hơn 1800 nhân viên và các trụ sở tại nhiều thành phố của Đức và Anh. Năm 2016, họ bán Ganymed với giá 1,4 tỉ đô. Năm 2019, BioNTech bán cổ phần cho công chúng, và nâng trị giá công ti lên tới 21 tỉ đô. Nói cách khác, họ chính thức trở thành tỉ phú.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, thành quả lớn nhất của BioNTech hẳn là việc tạo ra một loại vaccine có độ hiệu quả cao nhất thế giới hiện nay. Dẫu vậy, vaccine của họ có một trở ngại lớn là điều kiện bảo quản - được yêu cầu ở nhiệt độ siêu lạnh. Nó khiến việc phân phối vaccine trở nên rất khó khăn ngay cả tại Mỹ, chứ chưa nói đến thế giới. Nhưng rốt cục sau này, dưới áp lực của các cơ quan quản lý dược phẩm, Pfizer đã đồng ý tăng điều kiện nhiệt độ bảo quản vaccine. Một lọ vaccine chưa rã đông có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC, với thời hạn 5 - 30 ngày.
Nguồn: NY Times.